Tác phẩm "Sen Tây Hồ" của họa sỹ Hải Kiên. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngày 26/6, tại Hà Nội, đông đảo văn nghệ sỹ Thủ đô đã tham gia sự kiện mạn đàm về hoa sen trong văn học nghệ thuật Việt Nam đồng thời thưởng lãm 18 tác phẩm hội họa về hoa sen của nhà sưu tập Thúy Anh.

Các bức tranh nằm trong bộ sưu tập “Hồng Sen” có thể kể đến: “Mùa sen” (Phạm An Hải), “Sen Tây Hồ” (Hải Kiên), “Sen hồng” (Đào Liên Hương), “Sen vào Hạ"

(Bình Nhi), “Mùa sen vàng” (Nguyễn Văn Đức), “Sen thắm” (Lê Anh Huy), “Sen lửa” (Lê Hữu Dũng), “Sen quê” (Tuấn Đạt)…

Chương trình có sự tham gia của họa sỹ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam; Phó Giáo sư-Tiến sỹ-nhà phê bình Ngô Văn Giá; nhà văn-họa sỹ Trần Thị Trường; Phó Giáo sư-Tiến sỹ-nhà nghiên cứu văn hóa Trần Trọng Dương; nhà thơ Hữu Việt; nhà báo Phan Thanh Phong; Tiến sỹ ngôn ngữ-nhà thơ Đỗ Anh Vũ, cùng nhiều họa sỹ, nhà phê bình nghệ thuật.

Nhà sưu tập Thúy Anh đã kết nối các văn nghệ sỹ trong cuộc mạn đàm về vẻ đẹp của hoa sen. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Với nhà nghiên cứu văn hóa Trần Trọng Dương, sen đã tồn tại trong văn hóa Việt Nam từ hàng nghìn năm trước. Trong thơ văn, kiến trúc, hội họa đều có hình tượng sen, từ mảng chạm thời Lý-Trần, đến họa tiết điêu khắc đình làng, hoa văn trên vải vóc đều mang môtip hoa sen. Ông Dương bày tỏ mong muốn trong tương lai sẽ có một công trình nghiên cứu bao quát tất cả các môtip trang trí sen trong nghệ thuật truyền thống Việt Nam.

“Sen tượng trưng cho sự tinh khiết, không tì vết. Đặc tính của sen có thể gói gọn trong bốn chữ ‘vô cấu, bất nhiễm’ có nghĩa là thanh tịnh tuyệt đối. Chính vì vậy mà cả Phật giáo và Nho giáo đều dùng hình ảnh sen để tượng trưng cho sự thanh khiết,” ông Dương nói.

Theo nhà văn Trần Thị Trường, trong khu vực Đông Nam Á, nhiều nước có hoa sen nhưng Việt Nam có một điểm đặc biệt là vùng nào cũng có sen.

Nhà văn Trần Thị Trường chia sẻ về cảm hứng của bà với hoa sen. (Ảnh: PV/Vietnam+)

"Dọc theo chiều dài đất nước, sen ở đâu cũng đẹp, loài nào cũng đẹp, hoa sen đẹp, lá sen cũng đẹp, ngay cả khi sen tàn cũng vẫn đẹp. Như nhiều người Việt Nam, tôi yêu sen một cách tự nhiên từ khi sinh ra bởi trong lời ru của mẹ có sen và lớn lên, tôi yêu sen bằng trực giác cá nhân,” nhà văn Trần Thị Trường cảm thán.

Sự kiện này do nhà sưu tập Thúy Anh khởi xướng, nằm trong chuỗi hoạt động diễn ra nhiều năm qua nhằm lan tỏa vẻ đẹp văn hóa, con người Việt Nam thông qua mỹ thuật.

“Sen là biểu tượng của tâm thiện, tâm sáng. Không chỉ màu sắc mà hương thơm loài hoa này cũng rất thanh tịnh, hướng con người tới những khát vọng nhân văn. Đó là lý do tôi muốn chia sẻ và lan tỏa ý nghĩa này đến cộng đồng,” bà Thúy Anh nói.

Trước khi được giới thiệu tới công chúng yêu nghệ thuật trong nước, bộ sưu tập “Hồng Sen” đã được nhà sưu tập lan tỏa tại Thủ đô Paris. Những bức tranh hoa sen của các họa sỹ đương đại Việt Nam xuất hiện bên áo dài, nón lá đã tạo điểm nhấn khó phai, góp phần tôn vinh vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam.

Họa sỹ Lương Xuân Đoàn (phải) trong cuộc mạn đàm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trước đó, bà Thuý Anh đã tổ chức nhiều cuộc mạn đàm, triển lãm ý nghĩa, như: “Phố và Hoa” (2021) với mong muốn xua tan không khí ảm đạm của đại dịch COVID-19; hay “Vẻ đẹp Hồng Tâm” (2023)… Nhiều tác phẩm đã được bán đấu giá để gây quỹ từ thiện.

Theo ông Lương Xuân Đoàn, ở Việt Nam, các triển lãm tranh thường do hoạ sỹ, nhóm hoạ sỹ hay một đơn vị nghệ thuật đứng ra tổ chức, ít khi có một nhà sưu tập khởi xướng tổ chức triển lãm hay mạn đàm nghệ thuật. Như vậy, có thể coi hoạt động của nhà sưu tập Thúy Anh là hiếm hoi và cần được cổ vũ, lan tỏa.

Hầu hết các văn nghệ sỹ đều nhận định rằng những cuộc gặp gỡ, mạn đàm đã mở ra một tiền lệ tốt, giúp giới sưu tập, giới trí thức và các họa sỹ hiểu nhau hơn, từ đó, có thể cho ra đời nhiều ý tưởng, mang lại những giá trị tích cực cho đời sống./.

Một tác phẩm trong bộ sưu tập "Hồng Sen." (Ảnh: PV/Vietnam+)